Theo các chuyên gia, DN Việt cần nâng tầm sản phẩm của mình thông qua việc cải thiện mẫu mã, bao bì. Qua đó sẽ góp phần gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không chỉ ở thị trường quốc tế mà còn cả ở chính sân chơi nội địa.
Câu chuyện hàng xuất khẩu Việt bị trả lại do vi phạm về lỗi đóng gói, bao bì đã không còn xa lạ. Gần đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Úc đã bị Cơ quan Kiểm dịch Úc tại Melbourne dừng thông quan, do lỗi DN đóng gói không đúng quy định. Mặc dù Thương vụ Việt Nam tại Úc đã thông báo các điều kiện nhập khẩu nhãn trên website của Bộ Công thương và website của Thương vụ từ trước khi Bộ Nông nghiệp hai nước gặp và công bố “mở cửa” cho nhãn vào Úc, nhưng nhiều DN lại chưa thật sự chú ý.
Đây chỉ là một trong số nhiều bài học cho DN Việt về việc cần chú trọng hơn nữa tới bao bì sản phẩm, quy cách đóng gói. Theo các chuyên gia đánh giá, bên cạnh “nội dung” bên trong thì hình thức bên ngoài của sản phẩm chính là một trong những yếu tố thu hút người dùng, mà thực tế, đây là khía cạnh các DN Việt còn đang yếu.
Bao bì đẹp mắt là một trong những yếu tố giúp sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường |
Lấy ví dụ về hình thức của bao gạo, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú thẳng thắn nhận định, bao gạo của Thái Lan bắt mắt hơn hẳn so với bao gạo của Việt Nam, vì vậy dù chưa biết chất lượng thế nào nhưng người dùng vẫn có phần nghiêng về sản phẩm của Thái Lan hơn. Hay như với cách thức đóng chai nước mắm, theo ông Phú, nếu các thương hiệu nước ngoài chỉ đóng vào chai nhỏ vừa phải thì hầu hết các hãng ở Việt Nam đều đóng chai nửa lít, cũng không chú tâm lắm đến việc thiết kế, thậm chí những chi tiết nhỏ như cách mở nắp cũng khó khăn. Nếu quan sát ở ngay chính thị trường nội địa, có thể thấy hàng hóa của Việt Nam đang yếu thế hơn về mặt hình thức so với hàng Thái Lan, Hàn Quốc…
Bao bì sẽ làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần tạo nên thương hiệu, niềm tin với hàng hóa. Vì vậy, DN phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng và tạo lập được cho mình những phong cách riêng. Nếu không, sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Các DN thường ngại thay đổi, lo tốn tiền đầu tư vào mẫu mã bao bì, nhưng đây là một sai lầm không nhỏ, ông Phú chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tuy thời gian gần đây, DN Việt đã bắt đầu chú ý tới việc cải tiến mẫu mã sản phẩm nhưng chưa nhiều. Hơn nữa, có DN còn chuyển động theo hướng ngược lại, tiêu cực, như bao bì thì bắt mắt nhưng chất lượng sản phẩm bên trong lại yếu kém!
Chị Trịnh Kim Chi (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khi đang muốn mua một món đồ mà có quá nhiều thương hiệu để lựa chọn, bản thân sẽ bị thu hút bởi những sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, hình thức tinh tế, tiện lợi, có đầy đủ hướng dẫn sử dụng. “Lấy ví dụ đơn giản như khi mua mì tôm, mình thấy các loại mì của Hàn Quốc, Thái Lan có hình thức bắt mắt hơn hẳn so với mì Việt Nam, vì vậy dù chưa biết chất lượng thế nào nhưng mình vẫn quyết mua về ăn thử”, chị Chi chia sẻ.
Phần lớn DN Việt chưa quan tâm đến chất lượng bao bì, đóng gói sản phẩm và những yếu tố tạo hứng thú cho người tiêu dùng.
Hơn nữa, bao bì không chỉ cần bắt mắt mà còn phải phù hợp với từng loại sản phẩm, hàng hóa và văn hóa của các nước xuất khẩu sang. Đặc biệt, cũng cần an toàn, đảm bảo bảo vệ môi trường chính là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay, ông Thịnh chia sẻ thêm.
Ngoài ra, việc thiết kế bao bì của sản phẩm còn liên quan cả vấn đề bảo mật cho nhãn hiệu, tránh bị làm giả. Các DN Việt còn chưa chú trọng đến điều này.
Trong bối cảnh các DN đang đứng trước cơ hội từ hiệp định EVFTA, dự báo sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, theo các chuyên gia, đối diện với một thị trường khó tính như châu Âu, DN cần đảm bảo cả hai yếu tố về “nội dung” và hình thức để bổ sung cho nhau. Có như vậy mới tăng được khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế. “Hơn nữa, các DN trong nước cũng cần tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì bắt mắt để có thể giành lại ưu thế trên chính “sân nhà”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Theo thoibaonganhang